Đến thời điểm hiện tại, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam đã xuất khẩu (XK) tới 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, song mới chiếm thị phần rất nhỏ. Để có thể tận dụng tốt cơ hội mở ra trong thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm giúp sản phẩm nông nghiệp hữu cơ ngày càng đáp ứng tốt các yêu cầu khắt khe từ các thị trường hàng đầu như Mỹ, EU.
Xuất khẩu hơn 300 triệu USD/năm
Theo Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT), thị trường sản phẩm nông sản hữu cơ toàn cầu chỉ đạt 18 tỷ USD vào năm 2000, nhưng đã tăng mạnh lên 188 tỷ USD vào năm 2021 và ước đạt 208 tỷ USD năm 2022. Bắc Mỹ và châu Âu chiếm hầu hết doanh số bán hàng, với 90% thị phần. Tuy nhiên, thị trường sản phẩm hữu cơ đang trở nên quan trọng ở các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan…
Với Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) thông tin: hiện sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đã XK tới 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với trị giá 335 triệu USD/năm. Số lượng nhà sản xuất nông nghiệp hữu cơ hơn 17.000 đơn vị, 555 nhà chế biến, 60 nhà XK… “Những con số này vẫn còn khiêm tốn”, ông Nguyễn Quốc Toản đánh giá.
Chia sẻ rõ hơn về hành trình thúc đẩy XK sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, ông Phạm Minh Đức, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cho biết: giai đoạn năm 2000 – 2010, các DN Việt Nam âm thầm làm sản phẩm hữu cơ cho DN châu Âu. Thực chất, đây là giai đoạn các DN chủ yếu mua hàng về đóng gói. Từ năm 2018 (khi Nghị định 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 về nông nghiệp hữu cơ ra đời-PV) đến nay, DN Việt Nam mới bắt đầu thực sự làm chủ. Trong giai đoạn này, một số DN lớn như Vinamilk, Tập đoàn TH bắt đầu chuyển một phần sản phẩm sang làm hữu cơ. “Uy tín, danh tiếng sản phẩm hữu cơ xuất xứ từ Việt Nam trên thị trường thế giới từng bước tăng lên. Từ năm 2018 đến 2022, có 164 DN với 200 sản phẩm có chứng nhận hữu cơ USDA của Mỹ”, ông Phạm Minh Đức thông tin thêm.
Theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, hiện nay, nông sản hữu cơ của Việt Nam XK nhiều nhất tới thị trường EU. Người tiêu dùng châu Âu ngày càng chi tiêu nhiều hơn cho thực phẩm hữu cơ. Tính theo đầu người, chi tiêu của người tiêu dùng cho thực phẩm hữu cơ đã tăng gấp đôi trong thập kỷ qua. Nhìn chung, cơ hội cho sản phẩm hữu cơ vẫn còn rất rộng mở.
Vượt qua yêu cầu khắt khe của Mỹ, EU
Nhận định doanh số bán sản phẩm hữu cơ đang tăng mạnh, dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới, song ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) cũng lưu ý, để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, còn không ít thách thức phải đối mặt. Nhu cầu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm hữu cơ đang tăng mạnh, vượt quá nguồn cung. Việc thiếu hụt nguồn cung sản phẩm hữu cơ sẽ dẫn đến tình trạng khan hiếm và giá thành tăng cao, đồng thời cũng có thể sẽ dẫn đến các vụ gian lận, theo đó các loại thực phẩm thông thường sẽ được dán nhãn giả hữu cơ.
Từ góc độ DN, ông Nguyễn Hoàng Anh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Thuỷ sản Nam Miền Trung cho rằng, sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang gặp rất nhiều thách thức về giá vật tư, nhân công, lợi nhuận, sản lượng… đặc biệt là sự thiếu đồng bộ trong sản xuất giữa các khâu. “Bộ NN&PTNT cùng các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần xây dựng quy chuẩn cho nông sản hữu cơ, từ đó kiểm soát quy chuẩn. Làm được như vậy mới có thể kiểm soát chặt chẽ, tránh tình trạng thiếu đồng bộ trong triển khai”, ông Nguyễn Hoàng Anh nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quế Lâm nhấn mạnh, “nút thắt” trong phát triển nông nghiệp hữu cơ hiện nay nổi lên 4 vấn đề gồm: thiếu lòng tin giữa cơ quan quản lý nhà nước, DN, người nông dân; khai thác tài nguyên đến mức cạn kiệt; ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến chất lượng nông sản, sức khỏe người sản xuất; sức khỏe người tiêu dùng, cây trồng, vật nuôi. “Chỉ khi nào giải quyết được những vấn đề này, phát triển nông nghiệp hữu cơ mới có thể coi là thực sự thành công”, ông Lam nói.
Dành sự quan tâm nhiều hơn ở góc độ đáp ứng yêu cầu của thị trường XK, ông Bùi Hồng Quân, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinamit cho rằng, các yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ và EU là thách thức đáng kể đối với nông nghiệp Việt Nam. Các mẫu đất, mẫu nước, mẫu phân bón cũng như tất cả đầu vào của nông nghiệp hữu cơ đều được tổ chức đánh giá kiểm tra gắt gao với những phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế.
Một số chuyên gia nông nghiệp nhìn nhận, hiện nay đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ sản xuất, tiêu dùng sản phẩm thông thường sang sản phẩm sạch, hữu cơ, tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, đây là sản phẩm có phân khúc đặc thù về nhu cầu thị trường, định vị thương hiệu. Bởi vậy, nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thị trường XK, đặc biệt ở khía cạnh truy xuất nguồn gốc, minh bạch hóa, số hóa sản phẩm hữu cơ, tiến tới thúc đẩy XK sản phẩm nông nghiệp hữu cơ mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, cần tiến hành đồng bộ giải pháp, có sự hợp lực từ nhiều phía cả cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng DN cũng như người nông dân.